Cây Bùm Bụp

Cây bùm bụp được tìm thấy ở khắp các miền rừng núi nước ta. Theo dân gian, cây bùng bục có tác dụng chữa một số bệnh. Hãy tham khảo bài viết này để có thêm những thông tin hữu ích về loại cây này.

1. Tìm hiểu về cây bùm bụp

 

Cây bùm bụp còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bục bục, bông bét, bùm bụp. Loại cây này có tên khoa học là Mallotus barbatus Muell, thuộc họ Thầu dầu. Cây bùm bụp là một cây nhỡ, có độ cao khoảng 1.5-2m. Lá mọc so le, phiến lá có hình tim, đầu lá dài nhọn, phía cuống tròn. Loại cây này ra hoa vào các tháng 4-5 ở miền Bắc, ra quả vào tháng 8-9. Hoa mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá, bông hoa có thể dài tới 20cm. Quả bùng bục có lông cứng, to và dài. Hạt quả này nhỏ và có màu đen.

Cây bùm bụp mọc dại, chúng được tìm thấy ở khắp các miền rừng núi nước ta. Loại cây này thường ít được dùng, nhưng một số dân tộc dùng hạt của nó để ép lấy dầu đặc như sáp hay làm nến.

2. Tác dụng của cây bùm bụp

Cây bùm bụp là loại dược liệu quý trong Đông y, có vị hơi đắng và chát, tính bình. Mỗi bộ phận của cây có những tác dụng khác nhau. Lá và vỏ có tác dụng cầm máu, tiêu viêm; rễ có tác dụng hoạt huyết, thu liễm, bổ vị tràng. Trong dân gian, rễ bùng bục có tác dụng chữa một số bệnh như:

  • Viêm gan mạn tính;
  • Sưng gan lá lách;
  • Sa tử cung và trực tràng;
  • Viêm ruột tiêu chảy;
  • Huyết trắng, phù thũng khi mang thai.

Cây bùm bụp có thể điều trị một số bệnh tuy nhiên hiệu quả điều trị bệnh không cao nên ít được sử dụng làm thuốc.

Người dân một số tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh dùng ép hạt để lấy dầu dùng thắp đèn hay nến. Ở Trung Quốc người ta thường dùng vỏ thân cây bùng bục để sát trùng, chữa nôn mửa, nấu cao dán lên mụn nhọt có tác dụng đỡ mưng mủ và lên da non. Gần đây người ta còn thấy vỏ cây này có tác dụng giúp ích sự tiêu hóa, chữa đau dạ dày và loét tá tràng có kết quả.

3. Một số bài thuốc Đông y chữa bệnh từ cây bùm bụp

 

  • Trị viêm gan mạn tính, sưng gan lách: Chuẩn bị 15g rễ Bùng bục, rễ Muỗng truồng và rễ Sim, mỗi loại 30g.Sắc lấy nước để uống, sẽ đỡ nhiều.
  • Trị sa tử cung và trực tràng: Chuẩn bị 30g rễ bùng bục, 15g rễ Kim anh, sắc uống.
  • Trị băng huyết sau sinh: Lấy 15g vỏ thân bùng bục khô, phối hợp với cành lá Chua ngút, thân cây Lấu, rễ Vú bò, mỗi vị 12g, sắc uống. Bài thuốc này khá hiệu quả.

Lưu ý:

  • Dễ nhầm lẫn cây bùng bục với cây khôi tía bởi 2 loại này đều có lông mịn ở lá, tuy nhiên lá khôi tía thuôn và dài hơn, mắt dưới lá khôi có màu tía còn mặt dưới cây bông bét có màu trắng bạc.
  • Nếu bạn muốn mua loại dược liệu này hãy tìm đến các địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng, có giấy phép hoạt động để mua được vị thuốc đạt chất lượng.

Trên đây là những thông tin hữu ích về tác dụng của cây bùm bụp. Tuy nhiên những bài thuốc trên thường do dân gian truyền miệng, hiệu quả trị bệnh không cao. Bạn nên cân nhắc và hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng chúng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *